Mua bán like Facebook: Trò kiếm tiền từ những thây ma
Myads – Tăng lượt thích trên Facebook giúp bài viết có độ tin cậy, sự nổi tiếng cao hơn hoặc chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu “sống ảo” của các cá nhân. Vậy những lượt thích này đến từ đâu?
Dạo quanh các nhóm, diễn đàn về kinh doanh trực tuyến, dễ dàng bắt gặp những dịch vụ cung cấp like cho các bài đăng trên Facebook. Giá cho mỗi lượt thích 100-300 đồng. Mỗi bài đăng cần 500 like, người dùng mất 50.000-150.000 đồng phí dịch vụ.
Like ảo tiền thật
Giá cho “phẫn nộ”, “wow”, “thả tim” và “haha” cũng tương tự với giá like. Đắt đỏ là thế nhưng nhiều người dùng vẫn không cưỡng lại được sức mạnh của nút like.
Có những chủ tài khoản không buôn bán, không cần tăng độ tin cậy vẫn sẵn sàng chi ra một số tiền không nhỏ chỉ để thỏa mãn thú vui sống ảo của bản thân.
“Một ngày mình nhận hàng chục tin nhắn mua lẻ lượt thích từ khách hàng. Đa phần khách hàng thường chỉ mua cho những bài viết quan trọng hoặc ảnh đại diện, dao động 500-1.000 like”, anh Mai Thanh Phú (quận 3, TP.HCM), người cung cấp dịch vụ bán like, chia sẻ về việc bán lẻ lượt thích.
Để tiện lợi hơn cho khách hàng, nhiều bên làm dịch vụ đã cho ra đời “gói like tháng”. Bất cứ bài đăng nào của khách hàng đều sẽ được “bơm” 200-500 like.
Tùy theo tần số đăng bài mà lựa chọn cho mình một gói phù hợp, từ 1 đến 20 bài mỗi ngày mà mức giá sẽ dao động 500.000-700.000 đồng/tháng.
Ngoài ra gói like này còn được bán cho cả các fanpage. Việc like một trang đồng nghĩa người dùng sẽ theo dõi cả trang đó. “Nếu bạn thấy newsfeed của mình xuất hiện nội dung của những trang bạn không hề like thì có lẽ bạn đã trở thành một thây ma”, anh Trọng Nhân, người làm quản lý cho nhiều trang nổi tiếng cho biết.
Những “thây ma” like dạo
Công cụ tăng like này hoạt động dựa vào chuỗi mã Token được sinh ra để các nhà phát triển trên nền tảng của Facebook sáng tạo thêm nhiều ứng dụng. Lỗ hổng này là điều Facebook buộc phải đánh đổi để tạo ra hệ sinh thái ứng dụng cho người dùng.
Việc còn lại là tập hợp các chuỗi Token vào một hệ thống. Khi nhận được lệnh, “đội quân thây ma” sẽ like, chia sẻ, bình luận bất cứ mục nào theo chỉ định của người nắm giữ chuỗi Token của họ.
Để tránh vô tình biến mình thành những cỗ máy “like dạo”, người dùng cần kiểm tra mục “Hoạt động gần đây” để xem có những hoạt động nào bất thường không.
Tiếp theo, chủ tài khoản cần vào phần Cài đặt > Ứng dụng kiểm tra việc cấp quyền cho ứng dụng. Nếu thấy ứng dụng lạ, khả nghi cần lập tức xóa những quyền đã cấp.
Ngoài ra người dùng cần tránh chơi những trò chơi liên kết qua Facebook, đọc kỹ các yêu cầu cấp quyền và hạn chế sử dụng tài khoản mạng xã hội để đăng nhập vào các ứng dụng không rõ nguồn gốc và kém uy tín.
Mua giải bằng like
Không đơn thuần chỉ đáp ứng nhu cầu tăng độ tin cậy hay sống ảo, dịch vụ này còn tham gia vào các cuộc thi được tổ chức qua mạng. Tính tương tác của Facebook đã trở thành tiêu chí chấm giải khách quan được nhiều cuộc thi sử dụng, tạo điều kiện cho gói like bài thi ra đời.
“Tháng rồi mình tham gia một cuộc thi nhiếp ảnh. Ngoài giải do ban tổ chức chấm còn có giải bình chọn qua Facebook dựa vào lượt like. Đội của mình thắng nhưng đến lúc lên nhận giải thì ban tổ chức cập nhật lại kết quả. Bất ngờ nhất là lượt thích của đội bạn vượt mình đến 8.000 like chỉ sau vài phút”, Anh Thi (TP.HCM), thí sinh tham gia cuộc thi, bức xúc cho biết.
Số tiền bỏ ra để mua like không thấm thía gì với giá trị của giải thưởng. Vì vậy, nhiều thí sinh sẵn sàng chơi “khô máu” khi có đối thủ cũng mua like như mình.
“Vừa qua có một cuộc thi qua Facebook, gần đến giờ chấm giải có rất nhiều người nhắn tin mua like của mình. Phần lớn là người quen cùng tham gia cuộc thi. Để tránh mất lòng mọi người mình đã tặng mỗi người 200 like”, anh L.M.H, người cung cấp dịch vụ, kể lại sự cố hy hữu khi “gà nhà” đụng độ.
Mặc dù vậy, việc kiểm soát thí sinh phạm luật không phải quá khó đối với ban tổ chức. Để nhận biết chỉ cần kết bạn với chủ tài khoản, sau đó xem danh sách người thích. Đa phần like được dùng để “bơm” là những tài khoản không có bạn chung.
(Theo Zing)